Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

11 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nguyên thủ quốc gia của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, người đứng đầu nhà nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại, điều hành chính quyền, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Việt Nam. Đây là viên chức cao cấp xếp vị trí thứ hai về mặt ảnh hưởng trong chính trị ở Việt Nam.


Từ năm 1981 - 1992 chức danh này được gọi là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra trong số các Đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội là 5 năm. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Chủ tịch nước mới.

Sau đây Khoa Học Lịch Sử mời các bạn cùng khám phá 11 Chủ tịch nước từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập cho đến nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

1: Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh (sinh ngày 19/5/1890 - 2/9/1969) là một nhà cách mạng, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ 20, một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Ông là người viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian từ năm 1945 - 1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian từ năm 1951 - 1969.

Là một lãnh tụ được nhiều người ngưỡng mộ và tôn sùng, lăng của ông được xây ở Hà Nội, nhiều tượng đài của ông được đặt ở khắp mọi miền Việt Nam, hình ảnh của ông được nhiều người dân treo trong nhà, đặt trên bàn thờ và được in ở hầu hết mệnh giá đồng tiền Việt Nam. Ông được thờ cúng ở một số đền thờ và chùa Việt Nam. Ông đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ và nhà báo với nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp. Ông đã được tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

2: Huỳnh Thúc Kháng

Huỳnh Thúc Kháng

Huỳnh Thúc Kháng (sinh năm 1876 - 1947), tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên là một chí sĩ yêu nước người Việt Nam. Ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946 - 1947) và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn từ 31/5 - 2/9/1946 (tạm thay Hồ Chủ tịch sang Pháp vận động ngoại giao), trước đó ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp. Nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi là Cụ Huỳnh.

3: Tôn Đức Thắng

Tôn Đức Thắng

Tôn Đức Thắng (sinh năm 1888 - 1980) là một nhà cách mạng, chính khách của Việt Nam. Ông là Chủ tịch nước tiếp theo của Việt Nam (từ năm 1969 - 1980), trước đó ông là Phó Chủ tịch nước (1960 - 1969), Trưởng ban Thường trực Quốc hội Việt Nam (1955 - 1960) tương đương với Chủ tịch Quốc hội bây giờ.

Sau khi kế nhiệm Hồ Chí Minh ông là Chủ tịch nước thứ 2 và cũng là cuối cùng của chính thê Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Chủ tịch nước đầu tiên của chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

4: Nguyễn Hữu Thọ

Nguyễn Hữu Thọ

Nguyễn Hữu Thọ (sinh ngày 10/7/1910 - 24/12/1996) là một luật sư, chính khách Việt Nam. Ông là Phó Chủ tịch nước của Việt Nam (1976 - 1980) và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam giai đoạn từ 3/1980 - 7/1981, sau đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1980 - 1992), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa VII, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1988 - 1994). Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, ông là chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam.

5: Trường Chinh

Trường Chinh

Trường Chinh (sinh năm 1907 - 1988) là một chính khách Việt Nam. Ông là chủ tịch nước tiếp theo của Việt Nam khi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam từ năm 1981 - 1987. Ngoài ra ông đã giữ các chức vụ quan trọng khác trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội khóa V, VI. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ với bút danh Sóng Hồng.

6: Võ Chí Công

Võ Chí Công

Võ Chí Công (sinh năm 1912 - 2011) là một chính khách của Việt Nam. Ông là Chủ tịch nước tiếp theo của Việt Nam khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam từ năm 1987 - 1992. Trước đó, ông là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Hải sản Việt Nam. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961 - 1975), Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam (1962 - 1976), Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam (1962 - 1975).

7: Lê Đức Anh

Lê Đức Anh

Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 là một cựu chính khách và tướng lĩnh quân đội Việt Nam. Ông là Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1992 - 9/1997, đồng thời là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1986 - 1987), ông mang quân hàm Đại tướng.

8: Trần Đức Lương

Trần Đức Lương

Trần Đức Lương (sinh ngày 5/5/1937 tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), là một chính khách Việt Nam. Ông là Chủ tịch nước của Việt Nam từ tháng 9/1997 - 6/2006, là Ủy viên Bộ Chính trị khóa (khóa VIII, IX) và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

9: Nguyễn Minh Triết

Nguyễn Minh Triết

Nguyễn Minh Triết sinh năm 1942 là một chính khách Việt Nam. Ông giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam từ 6/2006 - 7/2011. Trước khi trở thành Chủ tịch nước ông là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, một chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị tại Việt Nam. Tại đại hội Đảng toàn quốc lần thú X 3/2016, trong danh sách Bộ Chính trị ông đứng thứ 4 sau các ông Nông Đức Mạnh, Lê Hồng Anh và Nguyễn Tấn Dũng.

10: Trương Tấn Sang

Trương Tấn Sang

Trương Tấn Sang sinh ngày 21/1/1949, là một chính khách Việt Nam. Ông là Chủ tịch nước của Việt Nam từ tháng 7/2011 - 4/2016, ông cũng từng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam (khóa IX, X, XI, XIII), ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII, IX, X, XI), Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương (2011 - 2016), Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương (2000 - 2006), Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (1996 - 2000) và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (1992 - 1996).

11: Trần Đại Quang

Trần Đại Quang

Trần Đại Quang (sinh ngày 12/10/1956 tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) là Chủ tịch nước đương nhiệm của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ông xuất thân là tướng lĩnh công an với quân hàm Đại tướng, là Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam (2011 - 2016), Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI, XII), Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung uơng, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Trung ương (2011 - 2016), Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên (2011 - 2016).

Ngày 2/4/2016 ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, ông là đương kim Chủ tịch nước hiện tại của Việt Nam.

* Điều kiện để trở thành Chủ tịch nước
- Là công dân Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam
- Ít nhất là 55 tuổi
- Được Đại hội Đại biểu toàn quốc giới thiệu ra ứng cử bầu tại Quốc hội
- Là Đại biểu trong Quốc hội
- Là Ủy viên Bộ Chính trị

Nguồn: wikipedia

LỊCH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CHÍNH TRỊ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài đăng nổi bật

TRANH FILE-CHAT UONG CAO-CHO IN AN